[ Hệ thống PCCC của các tòa nhà hiện nay ] – Hai năm trở lại đây, hàng loạt các vụ cháy trên cả nước xảy ra khiến dư luận hoang mang, hậu quả nặng nề về người và tài sản, chính quyền và người dân mới giật mình nhìn lại hệ thống PCCC nơi mình đang sống và làm việc.
Hầu hết, tại các chung cư, tòa nhà, nhà máy…hệ thống PCCC chỉ lắp đặt để “đối phó”
nên việc hệ thống có hoạt động hay không khi cháy xảy ra, việc kiểm tra, bảo dưỡng thế nào vẫn còn đang “bỏ ngỏ”. Đó là thực trạng đáng báo động về công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC ở hiện nay!
Điển hình là: vụ cháy Carina Plaza tại TP Hồ Chí Minh tháng 3/2018, khiến 40 người chết và 13 người bị thương, kết luận của cơ quan điều tra sau vụ cháy, khi xảy ra cháy, hệ thống PCCC tại chung cư không hoạt động. Hay vụ cháy tại căn hộ 1809 chung cư Thăng Long Garden, 250 Minh Khai, TP Hà Nội do chập điện, tuy nhiên, khi cháy xảy ra, hệ thống PCCC không hoạt động, hệ thống báo cháy tê liệt, không nghe thấy tiếng chuông báo động, hệ thống tăng áp buồng thang, buồng thoát hiểm không đảm bảo… Và hàng loạt các câu hỏi khác được đặt ra cho hệ thống PCCC tại các chung cư hiện nay.
Qua đó có thể thấy, hệ thống PCCC hiện nay thực sự đáng báo động. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây chính là việc các công trình này đã được cơ quan Cảnh sát PCCC nghiệm thu về phòng cháy để đưa vào sử dụng. Vậy nguyên nhân vì sao khi xảy ra cháy, hệ thống PCCC không hoạt động?
Theo các chuyên gia về PCCC, để xảy ra tình trạng trên, lỗi không nhỏ chính là do việc chủ quan, không bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC, mặc dù chủ đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC hiện đại, nhưng chỉ một thời gian sau, việc báo cháy giả hay “cháy mà không thấy chuông kêu” có lẽ là chuyện “bình thường” với người dân.
Như khảo sát của phóng viên (PV) tại chung cư CT10A, Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội, hiện trạng hệ thống PCCC tại đây đã xuống cấp trầm trọng, tủ báo cháy không được đấu nối với hệ thống điện, đã lâu không hoạt động, hệ thống trạm bơm rỉ sét, không chạy, các tủ họng vách tường cái thì không còn cuộn vòi, nơi thì có nhưng cuộn vòi cũng đã mục nát… Tuy nhiên, việc “bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC” dường như bị “lãng quên”.
Hay tại chung cư CT13B, khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội, nhiều bình bột đã bị tụt áp, cuộn vòi tại đây vẫn nguyên dây buộc từ khi được trang bị ban đầu, nhiều cửa thoát hiểm đã bị cong, vênh không đóng được do người dân tự ý chèn các vật dụng để tiện cho việc đi lại thang bộ, hệ thống thoát hiểm không đảm bảo, hệ thống đèn exit, chiếu sáng sự cố đã mờ hoặc không còn hoạt động… cho thấy sự lơi lỏng trong việc quản lý, bảo dưỡng hệ thống PCCC của toà nhà theo quy định.
Người dân thì không nắm được các quy định về việc bảo trì, dưỡng hệ thống PCCC, Ban Quản lý toà nhà do người dân bầu lên cũng không nắm được luật hoặc đổ lỗi do chưa có kinh phí!?
Theo Thông tư 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC đã quy định rất rõ về việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC.
Đối với hệ thống báo cháy tự động, tại Điều 26, Thông tư 52/2014/TT-BCA có quy định: Hệ thống báo cháy tự động, bán tự động sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra ít nhất mỗi năm hai lần để đánh giá chất lượng và khả năng hoạt động của các thiết bị trong hệ thống. Cũng theo TCVN 3890-2009 về phương tiện PCCC cho nhà và công trình – trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng cũng nêu rất rõ “việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống báo cháy tự động được thực hiện tuỳ theo điều kiện môi trường nơi lắp đặt và theo quy định của nhà sản xuất, nhưng ít nhất hai năm một lần phải tổ chức bảo dưỡng toàn bộ hệ thống. Việc bảo dưỡng phải bao gồm kiểm tra tổng thể sự hoạt động của tất cả thiết bị của hệ thống”
Đối với hệ thống chữa cháy tự động, tại Điều 27, Thông tư 52/TT-BCA về bảo quản, bảo dưỡng hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động nêu rõ: Hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động sau khi đưa vào hoạt động phải được bảo quản định kỳ mỗi năm 01 lần để đánh giá chất lượng và khả năng hoạt động của các thiết bị trong hệ thống. Việc bảo quản hệ thống chữa cháy tự động, bán tự động phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất và các tiêu chuẩn chuyên ngành (TCVN 6101:1996, TCVN 6305:1997, TCVN 71611:2002, TCVN7336:2003, các tiêu chuẩn khác có liên quan).
Ngoài hệ thống chữa cháy và báo cháy, theo TCVN 7435 – 2:2004 – ISO 11602 2:2000 Phòng cháy, chữa cháy – Bình chữa cháy xách tay và xe đẩy bình chữa cháy thì: không quá một năm nhưng không ít hơn 6 tháng một lần và thử thuỷ lực đúng kỳ. Như vậy, phương tiện phòng cháy chữa cháy như: bình chữa cháy, cuộn vòi… cũng phải thường xuyên được kiểm tra, thử nghiệm và bảo dưỡng định kỳ.
Quy định là vậy nhưng đa số việc thực hiện thường bị “bỏ quên”. Nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Các bạn có thể xem thêm: Vai trò quan trọng của việc bảo trì PCCC