QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về nội dung, nguyên tắc, hồ sơ, chế độ thống kê, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với:
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ (sau đây viết gọn là cán bộ, chiến sĩ) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở; lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 3. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy Phương tiện phòng cháy và chữa cháy gồm: Phương tiện chữa cháy cơ giới (xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, máy bơm chữa cháy, tàu, xuồng chữa cháy); phương tiện chữa cháy thông dụng; trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân; phương tiện cứu người; phương tiện, dụng cụ phá dỡ; thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc, chỉ huy chữa cháy; hệ thống báo cháy, chữa cháy được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Quản lý chặt chẽ và bảo đảm sẵn sàng chữa cháy.
3 Bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, cách thức, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế, cho mượn phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và các hành vi trục lợi khác.
2. Tự ý thay đổi cấu tạo, tính năng, tác dụng của phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
3. Sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đúng mục đích, định mức, chế độ.
4. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng
QUẢN LÝ BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Điều 6. Nơi quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, máy bơm chữa cháy phải được để trong nhà có mái che; tàu, xuồng chữa cháy phải được bố trí bến đậu bảo đảm yêu cầu hoạt động của phương tiện.
2. Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác phải được quản lý an toàn, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy.
3. Nơi quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức và bố trí người làm công tác quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 7. Thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Định kỳ vào quý IV hàng năm, cơ quan, tổ chức, cơ sở đã được trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải thống kê, báo cáo cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:
a) Số lượng, chất lượng, chủng loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị.
b) Cách thức thực hiện bảo quản, bảo dưỡng.
c) Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện.
d) Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra, kiểm tra của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
đ) Kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Trình tự báo cáo và cơ quan tiếp nhận báo cáo
a) Cơ quan, tổ chức, cơ sở, đội dân phòng báo cáo Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) nơi hoạt động về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
b) Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành báo cáo cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý.
c) Công an cấp xã, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành có trách nhiệm báo cáo Công an huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) hoặc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện) quản lý địa bàn về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
d) Công an cấp huyện, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp huyện báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh), Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh) trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
đ) Công an cấp tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh báo cáo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
Điều 8. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy, gồm:
a) Sổ theo dõi hoạt động của xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, tàu, xuồng chữa cháy (mẫu số 01), máy bơm chữa cháy (mẫu số 02) ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Thống kê, báo cáo công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, cơ sở.
2. Hồ sơ quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chỉ đạo lập, lưu giữ và phải được bổ sung khi có thay đổi.
Điều 9. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
3. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, tổ chức, cơ sở tìm hiểu tính năng, tác dụng, học tập, sử dụng thành thạo phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã trang bị.
4. Phân công người làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
5. Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và cơ quan Công an quản lý địa bàn về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
6. Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức, cơ sở.
7. Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
8. Hộ gia đình trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy thực hiện việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo đúng chế độ quản lý và theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
2. Thường xuyên kiểm tra nơi quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện thuộc phạm vi quản lý; phát hiện kịp thời phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi quản lý, bảo quản, bảo dưỡng không bảo đảm an toàn để báo cáo cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý có biện pháp xử lý, khắc phục.
3. Thống kê, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
1. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
a) Hướng dẫn, triển khai thống nhất công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên phạm vi toàn quốc;
b) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
c) Nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy trong Công an nhân dân;
d) Nghiên cứu, cải tiến, sửa chữa, sản xuất thử nghiệm phương tiện phòng cháy và chữa cháy; biên soạn tài liệu kỹ thuật hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Hướng dẫn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý;
b) Phân công cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý;
c) Duyệt kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
d) Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý;
đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
e) Hướng dẫn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; g) Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.
g) Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.